Thứ Hai, 31 tháng 8, 2009

MÔ HINH NUÔI KỲ NHÔNG MỚI Ở QUẬN 9

Thời gian gần đây, nghề nuôi nhông được nhiều hộ dân ở Phường Tân Phú, Quận 9. Đây là một trong những mô hình nuôi nhông mới, không dùng cát đã được thử nghiệm thành công. Bước đầu, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tân Phú là một trong những phường thực hiện nhiều dự án. Diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp đáng kể đòi hỏi vấn đề hướng dẫn người nông dân chuyển đổi từ sản xuất(SX)những sản phẩm truyền thống với diện tích đất nông nghiệp rộng sang SX những sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao với diện tích đất không nhiều là hết sức cấp bách. Thực hiện chương trình hành động của Quận Ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn đến năm 2010, Hội Nông dân Quận phối hợp đảng ủy phường Tân Phú xây dựng chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên cơ sở những điều kiện tự nhiên và kinh tế của địa bàn phường; hướng dẫn và tổ chức tập huấn các lớp về khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân để nuôi trồng những loại cây con có hiệu quả kinh tế cao; khuyến khích, động viên nông dân năng động sáng tạo trong việc lựa chọn mô hình SX mới phù hợp, dễ tiêu thụ và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chương trình đã thu hút nhiều hội viên nông dân tham gia việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Một trong các mô hình chuyển đổi mới lạ đó là mô hình nuôi kỳ nhông của hộ Võ Đình Hùng.

Một lần trong chuyến đi đến Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận gặp được một số hộ nuôi kỳ nhông tại đây. Con kỳ nhông hay còn gọi là con dong thường sống dưới mặt đất và loại đất pha cát. Chúng rất sự ngập nước và mưa nhiều và rất dễ nuôi, ít tốn kém, mang lại hiệu qủa kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ của thị trường nhiều đặc biệt là thị trường Tp. Hồ Chí Minh. Từ đó anh Võ Đình Hùng, ngụ số 33, khu phố 2, phường Tân Phú, Quận 9, Tp. Hồ Chí Minh. Anh đã quyết định mang mô hình sản xuất này về thử nghiệm tại địa phương mình.


Dẫn tôi đi thăm một số hộ đang nuôi thử nghiệm trên địa bàn phường, anh Hùng kể về quá trình tìm hiểu và áp dụng mô hình này. Do tài liệu và chỉ dẫn về nuôi kỳ nhông không có nên anh phải lặn lội ra Phan Thiết để tìm hiểu và tự làm phương án kỹ thuật nuôi trình lên Hội Nông dân phường xem xét. Sau khi được chấp nhận, anh lại vận động các hội viên tiến hành nuôi thử. Hiện nay anh Hùng liên kết với một số hội viên nông dân ở Khu phố Chân Phúc Cẩm (P.Long Thạnh Mỹ - Quận 9) đã có sẵn tường rào xây để đầu tư đổ cát pha thêm vào và mua dong giống thả vào nuôi với số lượng con giống là 100 kg (2.500 con đến 3.000 con) trong một diện tích khỏang 300 m2. Để hỗ trợ cho các hội viên, Chủ tịch Hội Nông dân phường đã đứng ra bảo lãnh cho các hộ vay vốn từ các nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân Quận và nguồn vốn ủy thác Hội nông dân thành phố (hộ vay thấp nhất là 5 triệu, hộ vay cao nhất là 15 triệu)


Qua 4 tháng nuôi, hiện nay dong lớn phát triển rất nhanh, trọng lượng khoảng 05 đến 07 con/kg. Anh cho biết khoản 2 đến 4 tháng nữa có thể xuất bán được, với ước tính thu hoạch từ 500 kg đến 700 kg. Hiện tại giá bán dong thịt bỏ mối ở các nhà hàng, quán ăn trong thành phố có giá từ 240.000 đồng đến 300.000 đồng/kg (loại dong từ 3 con đến 5 con/kg). Như vậy anh ước tính sẽ thu lợi trên 100 triệu đồng trong vụ nuôi này. Qua đó kết quả cho thấy đây là một mô hình mới phát triển trên địa bàn Quận 9 và hiện có nhiều hộ ở các phường Long Thạnh Mỹ, Tăng Nhơn Phú A nuôi rất có hiệu quả.

Rót nước mời chúng tôi uống, anh Hùng thích thú khoe: Nuôi rất sướng, không mất nhiều công mà thức ăn cũng dễ tìm, hàng ngày anh cho người ra chợ Tân Phú nhặt những lá cải xà lách, khoai, củ, qủa, giá sống... từ các điểm bán đã dạt bỏ, mang về cho dong ăn không phải tốn tiền mua thức ăn, lại được cái không có dịch bệnh, không phải dọn vệ sinh nhiều mà tiêu thụ thì không đủ sản phẩm để bán.
Hiện nay, thịt kỳ nhông đang là món "đặc sản" được các nhà hàng, quán nhậu tiêu thụ rất mạnh. Một con kỳ nhông thành phẩm nặng khoảng 1 lạng bán giá 8.000 đồng, khi chế biến thành món ăn có thể bán hơn 30.000 đồng. Chế biến cũng tương tự như rắn, bỏ đầu, ruột và các bàn chân là được. Thịt kỳ nhông trắng, ăn có mùi thơm như thịt thỏ nhưng xương giòn. Kỳ nhông sống và làm tổ trên đất cát, từ khi còn nhỏ cho tới khi thành phẩm nuôi khoảng 8 đến 10 tháng. Kỳ nhông ăn lá cây, rau, quả, uống nước ít, phân không đáng kể, môi trường sống tự nhiên không có dịch bệnh, ít tốn công chăm sóc. Đặc biệt, chúng leo trèo rất giỏi và có thể nhảy xa cả mét từ cành cây này sang cây khác.
Từ khi chuyển sang nuôi kỳ nhông, chỉ một mình anh làm và một ngưòi giúp việc, chủ yếu thay nhau canh giữ là chính, buổi sáng ra chợ xin hoặc mua rau quả hỏng về bỏ vào cho chúng ăn và phun nước làm ẩm đất là xong. Hồ nuôi kỳ nhông được xây tường rào xung quanh cao 1,2m, bên trên có viền tole láng 30cm để kỳ nhông không bò được ra ngoài. Đáy hồ được lót gạch, để chừa khe hở giữa các viên gạch từ 3-6cm cho nước rút, bên trên đổ cát dày 0,6 -0, 7m cho kỳ nhông làm tổ. Có thể trồng cây hoặc dựng chòi nhỏ bên trong tạo bóng mát nhưng phải cách tường rào hơn 1m để chống không nhảy ra ngoài.

Do lợi nhuận nhiều, trong khi đầu tư vốn và công sức ít nên gia đình anh đang muốn mở rộng diện tích nuôi thêm nữa. Anh Hùng tiết lộ, ngoài 2 lần bán kỳ nhông lớn thì thỉnh thoảng gia đình anh vẫn bán một vài con để lấy tiền đi chợ. Thời gian vừa qua, nhiều người dân trong phường và các địa phương xung quanh đã tìm tới xem và học hỏi mô hình sản xuất mới.

Nhiều hộ đang muốn nuôi nhưng do khó khăn về vốn nên chưa triển khai được. Theo anh Hùng, sắp tới Hội Nông dân phường sẽ tổng kết mô hình nuôi thử nghiệm này báo cáo lên cấp trên và nhân rộng cho bà con, lấy đó làm căn cứ để đề nghị vay thêm vốn phát triển sản xuất.
Có thể thấy, mô hình nuôi kỳ nhông đang phát triển mạnh mẽ ở phường Tân Phú. Nuôi kỳ nhông mang lại hiệu quả kinh tế cao và an toàn dịch bệnh, trong khi công lao động không cần nhiều, thị trường đang hút hàng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét