Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2010

DU LỊCH SINH THÁI NÔNG THÔN MỘT LOẠI HÌNH HOẠT ĐỘNG MỚI



Đã qua 3 nhiệm kỳ Đại hội kể từ ngày Quận 9 được thành lập. 13 năm qua, giai cấp nông dân trên địa bàn quận luôn thể hiện tính tiên phong nòng cốt trong quá trình vươn lên thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp đô thị bền vững. Thông qua việc hưởng ứng thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Quận Đảng bộ trong chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nhất là chương trình hoa - cây kiểng - cá cảnh, thực hiện các vùng cây ăn trái dọc tuyến đê bao ven sông Sài Gòn, góp phần đa dạng hoá loại hình, ngành nghề sản xuất nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch, dịch vụ nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm,.. Nông dân Quận 9 đã từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống càng sung túc.
Nông nghiệp đô thị ngày càng trở thành xu thế phát triển tất yếu khi đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Nông nghiệp đô thị vì thế cũng không còn họat động của một cá thể, quy mô nhỏ mà phải trở thành một ngành kinh tế đóng góp đáng kể vào kinh tế đô thị.
Có thể nói, cùng với xu hướng phát triển chung của thành phố, ngành nông nghiệp quận đã và đang có bước chuyển mình nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập trong giai đoạn hiện nay. Cùng với chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đầu tư phát triển nông thôn theo hướng đô thị, đời sống người nông dân quận 9 ngày càng được cải thiện rõ rệt. Điều này cho thấy việc phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng đô thị là một lựa chọn hợp lý và xu thế tất yếu trong tiến trình đô thị hóa. Không ít nông dân Quận 9 đã tìm tòi, học hỏi, quyết định thực hiện nhiều bước đột phá, góp phần hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái hấp dẫn và hiệu quả trên nhiều phương diện.
Không để nông dân còn tha thiết với nghề nông tự bơi. Dựa vào chương trình hành động 03-CTr/QU của Quận ủy về việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn quận nhằm chuyển những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang những cây, con cho hiệu quả kinh tế cao, hướng tới hình thành nền nông nghiệp đô thị gắn với môi trường sinh thái bền vững, từ năm 2006 thường trực Hội Nông dân Quận đã chỉ đạo các cấp Hội hướng dẫn, tuyên truyền cho hội viên nông dân về chủ trương của quận uỷ cùng các chính sách hỗ trợ lãi xuất vốn vay, đầu tư khoa học kỹ thuật, xây dựng hạ tầng đối với những danh mục được hưởng các chính sách chuyển dịch cây trồng, vật nuôi. Bà Đỗ Thị Hiệp - Chủ tịch Hội nông dân quận khẳng định:“Chúng tôi lấy phường Long Phước là một trong 13 phường, chọn làm điểm thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp để khảo sát, điều tra đời sống, sản xuất của hội viên nông dân trong khu dự án 100 ha vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái ở khu phố Lân Ngoài, phường Long Phước, qua đó sẽ mở rộng việc kết nối với các điểm du lịch lân cận như chùa Hội Sơn, Phước Long Tự (phường Long Bình); khu du lịch Vườn Cò (phường Long Thạnh Mỹ), khu vườn (phường Trường Thạnh) thành cụm tua hoặc tuyến du lịch theo đường sông Tắc, sông Đồng Nai và đường bộ sau này”.
Năm 2008, UBND quận chính thức khai trương làng du lịch sinh thái, đây là một bước ngoặt quan trọng, là kết quả sự cố gắng chung sức của chính quyền địa phương và nhân dân cùng sát cánh vực dậy tiềm năng kinh tế của quận. Làm du lịch theo kiểu “dã chiến” để bán hết sản phẩm tại chỗ cũng có ưu điểm trong việc tìm đầu ra cho nông sản của người nông dân một nắng hai sương. Có thể nói, vào thời điểm này, đây là dự án mang tính sáng kiến và đột phá, vì “đánh trúng” mục đích việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích nghi với vùng nông nghiệp đặc thù của Quận 9, đồng thời thúc đẩy sự phát triển có định hướng của một quận mới trước tốc độ đô thị hóa.
Ý tưởng làm du lịch của bác Ba Đài - phường Long Phước thật đơn giản. Mấy năm trước, khi thấy vườn trái cây ở nhà và bà con lối xóm liên tục rớt giá, đời sống nhà nông lận đận, long đong… bác Ba quyết định xây dựng lại đường sá, nhà vệ sinh, lên đất lên vườn cho khang trang, sơn phết tân trang lại mấy chiếc ghe cũ để đón khách đến vui chơi, tham quan thưởng ngoạn dòng sông mùa nước nổi và nhân đó để chào bán luôn trái cây trong vườn, con cá dưới ao. Đơn giản chỉ vậy, thế mà bây giờ trở lại đây, người dân xung quanh gọi ông là bác Ba “thời đại”, vì biết tìm ra được lối đi cho xóm làng, chẳng những thoát được 2 chữ “đói nghèo” mà còn vươn lên làm giàu.
Từ 2 ha đất trồng lúa nằm cặp sông Tắc, chảy từ Đồng Nai sang sông Sài Gòn, lão tri điền Nguyễn Hồng Ký ở khu phố Gò Công, phường Long Thạnh Mỹ đã cải tạo chuyển sang trồng dừa. Nhờ có vườn dừa nên cò và một số loài chim ở rừng Sác bay về trú ngụ. Tận dụng lợi thế này, ông Ký tìm mọi cách giữ chim rồi đầu tư hạ tầng, đào ao nhử cá, tôm từ sông vào: Cùng lúc 6 ha đất đối diện bên kia sông Tắc ông cũng chuyển sang trồng ăn trái đặc sản, hình thành khu du lịch. Ông Ký cho biết “hàng chục hộ đang nuôi khoảng 1.000 con heo rừng lai, Hội Nông dân quận hướng dẫn chúng tôi thành lập tổ hợp tác nuôi heo rừng để giúp nhau kỹ thuật, đăng ký thú y, tìm đâu ra và phục vụ khách tham quan”. Không những vậy, ông Ký còn kết hợp cho du khách tham quan nhà vườn với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đặc trưng, thưởng thức ẩm thực nhà vườn với những món khoái khẩu, mang đậm nét đồng quê dân dã.
Từ quận 2 vợ chồng Võ Văn Lương lên ấp Lân ngoài - phường Long Phước giáp sông Đồng Nai mua 5 ha đất bưng trũng rồi vay vốn hỗ trợ lãi xuất theo chủ trương của Quận uỷ đầu tư xây dựng “nhà - vườn” kết hợp câu cá giải trí. Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng nhà rường Huế, nhà kiến trúc của nông dân vùng Phong Nha – Kẽ Bàng, nhà chữ đinh Nam bộ. Hộ Nguyễn Thị Thanh ở phường Long Thạnh Mỹ, Nguyễn Công Danh ở phường Trường Thạnh cũng rất thành đạt với mô hình vườn sinh thái đẹp phục vụ du lịch.
Tiềm năng về du lịch vườn rất lớn, cộng với khát vọng được chung lưng với chính quyền địa phương để làm giàu của nông dân luôn cháy bỏng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng hiện đại hoá gắn với việc gìn giữ môi trường sinh thái. Qua đó, chọn ra các mô hình vườn sinh thái tiêu biểu, các vườn cây kiểng đẹp, nhằm thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng xanh, sạch, đẹp và có hiệu quả kinh tế. Đồng thời tạo cảnh quan môi trường tốt phục vụ phát triển du lịch sinh thái, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu về đời sống người dân ngoại thành, cùng các ngành nghề sản xuất nông nghiệp, tiến tới kết nối được với các công ty du lịch lữ hành. Và họ đang trông chờ một “đầu tàu” hỗ trợ, kéo họ về đến đích.

1 nhận xét:

  1. Xin chào Admin.....Em cần tìm chủ nhân của Blogspot này để hỏi 1 số vấn đề về Du lịch Q9. Xin cảm ơn.
    Em tên Mến - 0974548920
    Email: thuongmen.qtkd@gmail.com
    Rất mong nhận được sự phản hồi.

    Trả lờiXóa