Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

TÌNH HUỐNG THI LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ 2008

I/ HỎI ĐÁP NHANH.

Tình huống 1.
An và Bình nói chuyện với nhau
An: - Này B tôi đố cậu biết xe máy điện thuộc loại xe thô sơ hay là loại xe cơ giới ?
Bình: - Xe máy điện là loại xe chạy bằng bình ắc quy có đúng không ?
An: - Đúng như vậy
Bình: - Nếu là xe chạy bằng bình ắc quy thì đương nhiên là loại xe thơ sơ rồi

Hỏi: Bình nói vậy là đúng hay sai ? Vì sao ?
Đáp án: Bình nói sai
Vì : Theo định nghĩa tại khoản 18 điều 3 Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì “ Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự”
Theo định nghĩa trên thì xe máy điện là loại xe cơ giới.

Tình huống 2.
Thu hỏi Hòa.
Thu: - Này Hòa theo hiểu biết của cậu thì hành lang đường bộ được quy định như thế nào ?
Hòa: - Là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài đất của đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.

Hỏi: - Hòa nói như vậy là đúng hay sai ? Vì sao ?
Đáp án: Hòa nói đúng
Vì: Khoản 5 điều 3 Luật giao thông đường bộ năm 2008 có quy định: “ Hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài đất của đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ”

Tình huống 3.
Tân hỏi Phú
Tân: - Này Phú nghe nói tuyến đường cao tốc đi qua huyện ta sắp tới Hàn Quốc sẽ đầu tư kinh doanh khai thác hạ tầng đường bộ phải không ?
Phú: - Ai nói với cậu vậy?
Tân: - Thì mình nghe một người bạn nói như vậy.
Phú: - Họ nói vậy là đúng đấy vì Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ mà.

Hỏi: Phú nói vậy là đúng hay sai ? Vì sao ?
Đáp án: Phú nói đúng
Vì : Khoản 3 điều 5 Luật giao thông đường bộ năm 2008 có quy định:
“Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hoạt động vận tải đường bộ; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực giao thông đường bộ”

Tình huống 4.
Việt và Nam nói chuyện với nhau
Việt: - Này Nam thằng Tiến con bà Bảy bị công an tịch thu bằng lái xe rồi
Nam: - Có phải thằng Tiến nghiện ngập ma túy không ?
Việt: - Đúng như vậy
Nam: - Nếu nó là dân nghiện ma túy thì đã vi phạm điều cấm của Luật giao thông đường bộ nên bị thu bằng lái là đúng rồi

Hỏi: Nam nói vậy là đúng hay sai? Vì sao ?
Đáp án: Nam nói đúng
Vì : Khoản 7 điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008 cấm: “ Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.”

Tình huống 5.
Thấy Bình đang uống bia Minh liền nói
Minh: - Này anh Bình anh là tài xế lái xe Taxi mà uống bia là vi pháp điều cấm của Luật giao thông đường bộ đấy nhé.
Bình: - Người ta chỉ cấm trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở mà thôi.

Hỏi: Bình nói vậy là đúng hay sai ? Vì sao ?
Đáp án: Bình nói sai
Vì : Khoản 8 điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008 cấm: “ Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.”

Tình huống 6.
Thấy Tâm đang hý hoáy lắp chiếc kèn ô tô vào xe Honda Tuyết nói
Tuyết: - Này anh Tâm, anh đang làm gì vậy?
Tâm: - Anh đang lắp cái kèn xe ô tô vào cái xe Honda của anh.
Tuyết: - Anh làm vậy là sai quy định của Luật giao thông đường bộ rồi…họ sẽ phạt anh rất nặng đấy.
Tâm: - Cô em gái ơi ! Luật giao thông đường bộ năm 2008 không cấm hành vi này em ạ.

Hỏi: Tâm nói vậy là đúng hay sai ? Vì sao ?
Đáp án: Tâm nói sai
Vì : Khoản 13 điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008 cấm: “Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.”

Tình huống 7
Thấy Đức đi xe máy không có biển số xe Chiến liền hỏi:
Chiến: - Ủa cái biển số xe của cậu mất đâu rồi?
Đức: - Hôm qua đi “bão” rơi mất biển số rồi.
Chiến: - Thấy bây giờ cậu tính sao?
Đức: - Có gì đâu đi ra đầu phố mua một cái biển số khác lắp vào là xong
Chiến: - Ấy chết cậu đi mua biển số lắp vào là sai quy định đấy.
Hỏi: Chiến nói vậy là đúng hay sai ? Vì sao ?
Đáp án: Chiến nói đúng
Vì : Khoản 22 điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008 cấm: Sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
Tình huống 8.
Lê hỏi Tài
Lê: - Này anh Tài khi tham gia giao thông em thấy người CSGT đưa hai tay dang ngang là hiệu lệnh gì vậy anh?
Tài: - À đó là hiệu lệnh báo hiệu cho người tham gia giao thông phải rẽ về 2 phía khác nhau.
Lê: - Đúng vậy không anh?
Tài: - Đúng 100%.

Hỏi: Tài nói vậy là đúng hay sai ? Vì sao ?
Đáp án: Tài nói sai
Vì : Khoản 2 điều 10 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định hiệu lệnh của người điều khiển giao thông như sau:
- Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển giao thông phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái của người điều khiển giao thông được đi;

Tình huống 9.
Tình đố Lý
Tình: - Này Lý tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải làm gì?
Lý: - Dễ ợt.
Tình: - Nghĩa là sao hả?
Lý: - Thì người điều khiển phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

Hỏi: Lý nói vậy là đúng hay sai ? Vì sao ?
Đáp án: Lý nói đúng
Vì : Khoản 4 điều 11 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định
“Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường”

Tình huống 10.
Tiến đố Phong
Tiến: - Này Phong ! đố cậu biết trong trường hợp nào thì được vượt bên phải xe đi trước mình khi tham gia giao thông hả?
Phong: - Chỉ được vượt khi xe đi trước có tín hiệu quẹo trái.
Tiến: - Chỉ có 1 điều kiện đó thôi à.
Phong: - Đúng như vậy.

Hỏi: Phong nói vậy là đúng hay sai ? Vì sao ?
Đáp án: Phong nói sai.
Vì : Khoản 4 điều 14 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định:
“Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải:
a) Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái;
b) Khi xe điện đang chạy giữa đường;
c) Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.

Tình huống 11.
Thuận hỏi Yến
Thuận: - Này chị Yến, Luật GTĐB quy định trong trường hợp nào thì xe ô tô chở hàng được chở người trên xe hả chị ?
Yến: - Thì xe ô tô được chở người khi đi làm nhiêm vụ phòng chống thiên tai hỏa hoạn chẳng hạn.
Thuận: - Vậy xe không có thùng xe cố định có được chở không hả chị ?
Yến: - Đương nhiên là được.

Hỏi: Yến nói vậy là đúng hay sai ? Vì sao ?
Đáp án: Yên nói sai.
Vì : Khoản 2 điều 21 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định:
Trong trường hợp xe chở hàng mà chở người đi làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai hoặc thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp…. thì phải có thùng cố định, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.

Tình huống 12.
Bình hỏi Hồng
Bình: - Này anh Hồng, tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, thì việc nhường đường giữa các loại xe được quy định như thế nào anh nhỉ ?
Hồng: - À trong trường hợp này thì xe đi bên phải, nhường đường cho xe đi đến từ bên phải.
Bình: - Có đúng vậy không anh.
Hồng: - Đúng 100%

Hỏi: Hồng nói vậy là đúng hay sai ? Vì sao ?
Đáp án: Hồng nói đúng .
Vì : Khoản 1 điều 24 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định:
Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây “ Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải”

Tình huống 13.
Long và Thu nói chuyện với nhau
Long: - Nghe nói cậu vừa mua một chiếc xe đạp máy phải không ?
Thu: - Đúng thế …sở dĩ mình mua nó để khi đi đường không phải đội mũ bảo hiểm.
Long: - Thế thì cậu lầm to rồi…vì Luật giao thông đường bộ năm 2008 có quy định người đi xe đạp máy cũng phải đội mũ bảo hiểm mà

Hỏi: Long nói vậy là đúng hay sai ? Vì sao ?
Đáp án: Long nói đúng .
Vì : Khoản 2 điều 31 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định:
“ Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”

Tình huống 14.
Minh hỏi Ngọc
Minh: - Mình nghe nói sáng nào, chiều nào cậu cũng đi bộ chừng vài cây số ?
Ngọc: - Đúng vậy mình đi bộ để rèn luyện sức khỏe mà.
Minh: - Nhưng đường ở chỗ cậu không có hè phố thì câu phải đi như thế nào cho đúng Luật giao thông.
Ngọc: - Thì phải đi sát mép đường bên phải.
Hỏi: Ngọc nói vậy là đúng hay sai ? Vì sao ?
Đáp án: Ngọc nói đúng .
Vì : Khoản 1 điều 32 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định:
“ Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường”

Tình huống 15.
Điệp hỏi Lan
Điệp: - Mình nghe tin Nhà nước có quy định cấp Giấy phép lái xe cho người khuyết tật phải không ?
Lan: - Đã là người khuyết tật thì làm sao tham gia giao thông được mà cấp bằng lái hả do vậy không có quy định đó đâu.
Điệp: - Cậu chắc chứ ?
Lan: - Đúng vậy!

Hỏi: Điệp nói vậy là đúng hay sai ? Vì sao ?
Đáp án: Điệp nói sai.
Vì : Khoản 3 điều 59 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định
“Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng A1”

II/ PHẦN CÂU HỎI VẤN ĐÁP

Câu 1: Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 thì khi tham gia giao thông người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ gì?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật GTĐB 2008 thì: Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
- Đăng ký xe;
- Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Câu 2: Quy tắc chung của Luật giao thông đường bộ năm 2008 được quy định như thế nào ?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 9 Luật GTĐB 2008 thì quy tắc chung gồm:
1. Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
2. Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn.

Câu 3. Luật giao thông đường bộ năm 2008 được quy định như thế nào về biển báo hiệu đường bộ ?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Luật GTĐB 2008 thì biển báo hiệu đường bộ gồm năm nhóm, quy định như sau:
a) Biển báo cấm để biểu thị các điều cấm;
b) Biển báo nguy hiểm để cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra;
c) Biển hiệu lệnh để báo các hiệu lệnh phải thi hành;
d) Biển chỉ dẫn để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết;
đ) Biển phụ để thuyết minh bổ sung các loại biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn.

Câu 4. Tại nơi có vạch kẻ hoặc không có vạch kẻ dành cho người đi bộ thì người điều khiển phương tiện phải làm gì ?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật GTĐB 2008 thì :
- Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
- Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.


Câu 5. Hãy nêu quy định về việc sử dụng làn đường trong Luật giao thông đường bộ năm 2008?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 13 Luật GTĐB 2008 thì việc sử dụng làn đường được quy định như sau:
- Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
- Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
- Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.

Câu 6. Khi đang tham gia giao thông mà có có xe xin vượt thì người điều khiển phương tiện phải làm gì ?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 3, Điều 14 Luật GTĐB 2008 thì
Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.

Câu 7. Khi đang tham gia giao thông người điều khiển phương tiện muốn chuyển hướng xe thì phải phải làm gì ?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 15 Luật GTĐB 2008 thì
- Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
- Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.

Câu 8. Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ như thế nào ?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 20 Luật GTĐB 2008 thì việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ được quy định như sau:
1. Hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe.
2. Khi xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau xe thì ban ngày phải có cờ báo hiệu màu đỏ, ban đêm hoặc khi trời tối phải có đèn đỏ báo hiệu.
3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ.

Câu 9. Khi tham gia giao thông mà nghe tín hiệu của xe ưu tiên thì các phương tiện phải làm gì ?
Trả lời:
Theo quy định tại khoàn 3 Điều 22 Luật GTĐB 2008 thì:
Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Câu 10. Trong những trường hợp nào thì người điều khiển xe gắn máy được chở tối đa 2 người
Trả lời:
Theo quy định tại khoàn 1 Điều 30 Luật GTĐB 2008 thì:
Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:
- Chở người bệnh đi cấp cứu;
- Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
- Trẻ em dưới 14 tuổi.

Câu 11. Khi tham gia giao thông người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện những hành vi gì?
Trả lời:
Theo quy định tại khoàn 4 Điều 30 Luật GTĐB 2008 thì:
Người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi sau đây:
- Mang, vác vật cồng kềnh;
- Sử dụng ô;
- Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác;
- Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái;
- Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Câu 12. Luật giao thông đường bộ quy định người đi bộ khi tham gia giao thông không được thực hiện những hành vi gì ?
Trả lời:
Theo quy định tại khoàn 4 Điều 32 Luật GTĐB 2008 thì:
Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Câu 13. Luật giao thông đường bộ quy định về người khuyết tật, người già yếu tham gia giao thông như thế nào ?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 33 Luật GTĐB 2008 thì người khuyết tật, người già yếu tham gia giao thông được quy định như sau:

1. Người khuyết tật sử dụng xe lăn không có động cơ được đi trên hè phố và nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ.
2. Người khiếm thị khi đi trên đường bộ phải có người dắt hoặc có công cụ để báo hiệu cho người khác nhận biết đó là người khiếm thị.
3. Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật, người già yếu khi đi qua đường.

Câu 14. Khi có tai nạn giao thông xẩy ra những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn phải có trách nhiệm gì ?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật GTĐB 2008 thì khi có tai nạn giao thông xẩy ra những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm
a) Bảo vệ hiện trường;
b) Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn;
c) Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;
d) Bảo vệ tài sản của người bị nạn;
đ) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Câu 15. Theo quy của Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang an toàn đường bộ thì được quyền gì ?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 43 Luật GTĐB 2008 thì:
Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang an toàn đường bộ thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ.
Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật.













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét