Thứ Tư, 11 tháng 11, 2009

TRỒNG RAU MẦM GIẢI PHÁP MỚI CHO NÔNG NGHIỆP ĐỒ THỊ



Hiện nay, rau mầm đang được bà con quan tâm và trồng khá nhiều trên địa bàn quận 9. Đây là loại rau sạch, bổ dưỡng và an toàn cho người tiêu dùng. Gia đình Chị Trần Thị Phải ở khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú B là một trong những hộ tiên phong chọn rau mầm để xây dựng thí điểm mô hình nông nghiệp trong lòng đô thị.
Rau là loại thực phẩm tươi không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Chính vì vậy, dù thị trường có lúc lên, xuống nhưng nghề trồng rau vẫn mang lại đời sống kinh tế ổn định cho nông dân.
Tuy nhiên, trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhất là yêu cầu vệ sinh thực phẩm, nên nghề trồng rau hiện nay cũng đòi hỏi phải cải tiến phương thức sản xuất theo hướng sạch. Đó là một xu thế tất yếu trong cạnh tranh trên thị trường.
Chị Phải bộc bạch: “Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu qua sách báo và các tài liệu về mô hình trồng rau sạch, tôi thấy mô hình trồng rau mầm rất phù hợp với diện tích đất ít, không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, cách trồng và chăm sóc lại khá đơn giản. Ban đầu tôi trồng để phục vụ nhu cầu của gia đình, nhưng khi có nhiều người đến hỏi mua, tôi nảy ra ý định trồng để kinh doanh”.
Chị Phải đã hàn kệ sắt lưu động (có gắn bánh xe dưới các chân đế) với những thanh sắt nhỏ lại với nhau, có chiều dài trung bình 1,2m, ngang 0,4m, thiết kế từ 8-9 tầng, mỗi tầng cách nhau chừng 0,25m. Các “kệ” này được sắp xếp liền kề rất gọn gàng, chiếm ít diện tích. Trên mỗi tầng bày nhiều khay mốp dài 0,6m, ngang 0,4m, cao 0,08m. Trung bình sau 5 ngày gieo hạt, mỗi khay mốp cho thu hoạch 1,2 - 1,4kg rau mầm.
Quy trình trồng và cách chăm sóc rau mầm khá đơn giản. Đầu tiên, chọn và xử lý hạt giống (thường là hạt củ cải trắng hay các loại hạt đậu, vừng đen, cải bẹ xanh, rau dền...) theo phương pháp dân gian (ngâm trong nước 3 sôi, 2 lạnh). Kế đến, chuẩn bị mặt phẳng giá thể để gieo hạt (giá thể là cách gọi khác của đất sinh học, chế tạo từ bụi xơ dừa và không chứa bất kỳ một loại nông dược, phân bón, thuốc trừ sâu nào trong đó). Nền giá thể phải đan kín trong lòng khay mốp và dày khoảng 0,01m, có độ ẩm vừa phải. Hạt được gieo thật đều lên trên. Tiếp theo là giai đoạn ủ mầm bằng cách đậy kín các khay mốp (khay này chồng lên khay kia hoặc lấy tấm chắn đậy lên trên), để chúng nơi mát mẻ có nhiệt độ khoảng 25oC. Khi ủ mầm vẫn tưới nước 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều. Hai ngày sau, sắp xếp lại các khay mốp sao cho hạt mầm vừa nhú lên khỏi giá thể được tiếp xúc với môi trường tự nhiên. Vẫn duy trì chế độ tưới nước hỗ trợ cho giá thể đủ ẩm để nuôi hạt mầm. Nước được tưới vào các khay mốp dưới dạng phun sương hoặc tưới tràn hay tưới thẩm thấu cho đến khi thu hoạch.
Với 6 kệ sắt và hơn 10 nhân công, mỗi ngày, gia đình Chị Phải thu hoạch khoảng 50kg rau mầm. Ban đầu, khách hàng là các bà nội trợ quanh khu phố, đến nay, “rau mầm Phong Phú” đã có thị phần trong các siêu thị, nhà hàng, quán ăn khắp thành phố.
Chị Phải cho biết: “Trừ các khoản chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 750.000 đồng/ngày. Những hôm thời tiết thất thường, thu hoạch kém hoặc dội hàng, cũng thu lãi không dưới 300.000 đồng”.
Nói về những dự định trong tương lai, Chị Phải hồ hởi: “Lợi ích dinh dưỡng của rau mầm chưa được tuyên truyền rộng rãi, trong khi đó, nhu cầu thị trường lại rất hứa hẹn, nếu “khơi” đúng hướng, sản xuất rau mầm sẽ là hướng đi rất khả thi. Tôi sẽ mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư trang thiết bị trồng rau mầm theo chu trình khép kín để đáp ứng nhu cầu thị trường và bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng”.
Chị Nguyễn Thị Tâm, Phó chủ tịch Hội Nông dân quận 9, cho biết: “Sản xuất loại rau này không cần vốn và diện tích nhiều. Hiện nay, mức tiêu thụ rất lớn, nhưng chưa đáp ứng được. Vừa qua, Hội Nông dân quận tạo điều kiện cho chị Phải vay 20 triệu đồng để mở rộng cơ sở sản xuất. Chị Phải đã làm thủ tục để các ngành chức năng công nhận thương hiệu rau mầm sạch Phong Phú. Đây là mô hình trồng rau mầm thành công đầu tiên, duy nhất ở quận 9. Vì thế, hàng ngày có nhiều nông dân đến tham quan, học tập, chị Phải đều vui vẻ sẻ chia kinh nghiệm trồng loại rau mầm nói trên.

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2009

“VŨ CÁ BÈ” LÀM GIÀU TỪ DÒNG SÔNG

Từ một nông dân nghèo, phụ việc cho cơ sở ấp trứng vịt, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, với sự “đột phá” của mình anh đã khiến bà con nông dân và bạn bè nể phục. Trở thành ông chủ của Hợp tác xã (HTX) cá bè Sông Tắc phường Long Phước - Q.9, hàng năm anh thu lãi từ 80-100 triệu đồng. Anh còn được người dân goi với cái tên thân thương “Vũ cá bè”.
Gia đình Vũ thuộc diện xóa đói giảm nghèo, nên anh phải chạy vạy khắp nơi mượn tiền để khởi nghiệp. May thay, Bí thư chi bộ phường biết hoàn cảnh của Vũ nên đã... đi vay tiền giúp Vũ 10 triệu đồng. "Cầm 10 triệu đó, tui toát mồ hôi hột với những phương án làm ăn" - anh Vũ nhớ lại. Đầu tiên, anh mua một cây bơm xăng nhỏ phục vụ ghe xuồng qua lại sông Tắc. Bán xăng có lời đồng nào, anh dồn nuôi heo. Tiếp đó là một chu trình VAC khép kín với một lứa heo, hai lứa cá...
Một năm sau, Vũ chính thức khởi nghiệp từ những bao cám, từng ký cá giống cung cấp cho người nuôi cá, thu lời chẳng bao nhiêu. Trong những lần đi giao cá giống và thức ăn cho các hộ dân nuôi cá, anh đã học lỏm được một ít kiến thức nuôi cá điêu hồng. “Người ta làm được thì mình cũng làm được” - Vũ nghĩ thầm. Nghĩ là làm, Vũ gom tiền sắm cho riêng mình một bè cá có diện tích nuôi khoảng 12.000 con. Lứa nuôi đầu tiên, bè cá của anh thu được gần 6 tấn, sản phẩm đầu ra tiêu thụ suôn sẻ nên lợi nhuận thu được từ bè cá rất lớn. Thừa thắng xông lên, Vũ tiếp tục đầu tư. Đến nay, anh đã sở hữu ba bè cá với 10 vèo, mỗi bè anh thu từ 4,5-6 tấn cá, giúp anh có tiền trang trải nợ nần, xây nhà, mua xe.
Giai đoạn đầu 2006, phong trào nuôi cá điêu hồng rộ lên với nhiều người nuôi, khiến cá bị rớt giá, bản thân người nuôi cũng lao đao. Sản phẩm tiêu thụ với giá thấp, lại bị những hộ dân “xù” tiền cám và tiền cá giống, Vũ gần như bị phá sản. Tiếc với những thành quả có được trong mấy năm qua, Vũ quyết không để những bè cá đi vào ngõ cụt. Từng bước gầy dựng lại từ đầu, anh liên kết với các bè cá rải rác trên sông hầu quy về một mối và tìm đầu ra cho sản phẩm. Và HTX cá bè Sông Tắc do anh làm chủ ra đời.

Năm 2006, Phạm Hoàng Vũ là một trong số 75 thanh niên trên toàn quốc được nhận giải thưởng Lương Định Của và là một trong 20 gương mặt tiêu biểu được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng bằng khen vì đã tham gia chuyển đổi cơ cấu vật nuôi hiệu quả. Bên cạnh đó, Vũ còn là đại biểu tại Liên hoan cụm miền Đông Nam Bộ "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác".
Hiện nay, HTX cá bè Sông Tắc có 9 bè, 40 vèo với diện tích nuôi 5.000 m2. Hiện có 9 thành viên nòng cốt, hầu hết đang ở độ tuổi thanh niên. Mặc dù chủ nhiệm HTX có trình độ văn hóa 11/12 nhưng đội ngũ trợ lực cho anh khá "oách": 2 kỹ sư, 1 thạc sĩ kinh tế... Tất cả thành viên đều hào hứng với dự án làm du lịch sinh thái. Tuy nhiên, "Vũ cá bè" bộc bạch: "Để có thể biến ước mơ đó thành hiện thực, phải huy động rất nhiều tiền. Rồi phải mở rộng thêm diện tích bè nuôi cá, kết nối những điểm tham quan riêng rẽ thành hệ thống, chăm chút vườn cây trái Tam An, đa dạng hóa các điểm du lịch... Đặc biệt là cần có sự chấp thuận, ủng hộ của chính quyền và các ban ngành".

Dù đầu ra của sản phẩm cá điêu hồng rất ổn định, nhưng để mở rộng thị trường đồng thời tạo việc làm cho thanh niên trong phường, “Vũ cá bè” đã triển khai nuôi thử loài cá lăn được bốn tháng với hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân trong vùng. Anh cũng bật mí thêm: “Mô hình du lịch xanh trên dòng sông Tắc do HTX Sông Tắc đầu tư cũng đang được triển khai. Hiện đề án của HTX đã được hình thành, du khách có thể chèo thuyền lãng đãng trên sông ngắm vườn cây ăn trái, thưởng thức các món ăn đồng quê, dân dã”. Nếu mô hình du lịch xanh của anh hoàn thiện, không chỉ thu hút khách du lịch đến với phường, tăng hiệu quả kinh tế mà còn tạo ra nhiều việc làm cho thanh niên ở vùng đất còn nghèo
.

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

HỘI NÔNG DÂN QUẬN 9 TRAO NHÀ TÌNH THƯƠNG

Chiều ngày 06/11/2009, Hội nông dân quận 9 đã phối hợp Ban vận động “Vì người nghèo” Quận tổ chức lễ bàn giao căn nhà tình thương cho ông Huỳnh Văn Mỹ (sinh năm 1963) hiện cư ngụ tổ 7, khu phố Tam Đa, phường Trường Thạnh là hộ hội viên nông dân nghèo hiện đang khó khăn về nhà ở trên địa bàn.
Qua một thời gian tiến hành khảo sát, được biết hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn chưa có nhà ở ổn định. Hội Nông dân quận 9 quyết định xây cho hộ Huỳnh Văn Mỹ một căn nhà tình thương. Căn nhà được xây dựng trên nền nhà lá cũ, có diện tích 49,5 m2 tường xây, mái lợp tôn, nền tráng xi măng, với tổng kinh phí xây dựng là 30 triệu đồng, do Hội Nông dân Quận 9 hỗ trợ 15 triệu đồng, phần còn lại do gia đình và bà con thân tộc đóng góp thêm để xây dựng
Tại lễ bàn giao Nhà tình thương UBMTTQ Quận 9, UBND phường Trường Thạnh, các chi hội nông dân khu phố cũng đến chia vui và tặng một số vật dụng gia đình như quạt máy, ly tách, chén đĩa và những phần quà thiết thực trị giá năm trăm ngàn đồng, giúp cho gia đình ổn định nơi ở mới.
Được nhận ngôi nhà mới ấm áp nghĩa tình, Ông Huỳnh Văn Mỹ xúc động gởi lời cảm ơn đến sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Hội Nông dân đã giúp đỡ cho gia đình tôi có một căn nhà, tôi hứa sẽ cố gắng làm ăn để vươn lên để thoát nghèo.

Thứ Ba, 3 tháng 11, 2009

GIAO LƯU NÔNG DÂN SẢN XUẤT KINH DOANH GIỎI, ĐOÀN KẾT GIÚP ĐỠ HỘ NGHÈO NĂM 2009


Sáng ngày 03/11/2009, Hội Nông dân phường Tăng Nhơn Phú B tổ chức hội nghị giao lưu và tuyên dương nông dân sản xuất giỏi, đoàn kết giúp đỡ hộ nghèo năm 2009. Chương trình giao lưu đã diễn ra tại Hội trường UBND phường với sự tham dự của gần 200 đại biểu đại diện các cơ quan, ban ngành đoàn thể quận và những hộ nông dân tiêu biểu của phường.
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Phụng, Phó chủ tịch Hội nông dân Tp. Hồ Chí Minh; Đỗ Thị Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân quận; Trần Văn Đông, Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội quận, Nguyễn Phong Ba, Phó bí thư thường trực đảng uỷ phường, lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong quận; Chủ tịch, Phó tịch Hội Nông dân các phường và 100 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong toàn phường.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, thông qua phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ hộ nghèo đã phát huy cao tính sáng tạo, cải tiến kỹ thuật của nông dân, chuyển giao và áp dụng tích cực các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, nhiều nông dân xây dựng được mô hình kinh tế hộ hiệu quả, thích hợp với khả năng, điều kiện của mình, mạnh dạn thay đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng giá trị sản xuất bình quân trên 50 triệu đồng/ha. Nhiều đại biểu cho rằng, đạt được kết quả này ngoài tự nỗ lực vươn lên của hộ nông dân, còn có sự tham gia hỗ trợ khá hiệu quả của Hội Nông dân phường, đặc biệt là Hội đã phối hợp cùng các ngành chức năng chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho nông dân. Chỉ tính trong năm 2009, Hội phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân hỗ trợ vốn cho trên hàng trăm ngàn lượt hộ vay với tổng số tiền khoảng 3,348 tỷ đồng, ngoài ra còn có hơn 27 lượt hộ nghèo được các hộ nông dân sản xuất giỏi giúp đỡ về kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, hướng dẫn cách làm ăn, giúp tiền vốn, vật tư, cây, con giống với tổng trị giá trên 3 tỉ đồng, qua đó đã có 500 hộ nông dân nghèo ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Bằng những việc làm thiết thực, với những mô hình làm ăn mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, Phường đã có 07 hộ được bình chọn nông dân sản xuất giỏi cấp Thành phố, trên 17 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Quận và gần 30 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp cơ sở.
Dịp này, Hội Nông dân Quận tiến hành trao giấy chứng nhận Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Quận năm 2009.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Phụng nhiệt liệt biểu dương những thành tích đạt được trong năm qua của các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian tới cần tăng thêm tỷ lệ hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; tiếp tục củng cố, xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn, mở rộng giao lưu, nâng cao dân trí; đào tạo nghề cho nông dân, phát triển ngành nghề nông thôn; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, mở rộng các loại hình dịch vụ... Đồng chí tin tưởng, những năm tới phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi sẽ đạt thành tích cao hơn nữa, góp phần xây dựng Quận 9 giàu, đẹp, văn minh.