Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

TỔNG KẾT PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC VÀ CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG GIAI ĐỌAN 2005 - 2010


Sáng ngày 27/5/2010, tại Hội trường Ban Dân vận Quận ủy, Hội Nông dân quận 9 đã tổ chức hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước 5 năm (2005 – 2010). Đến dự hội nghị có đồng chí Trần Trường Sơn, Chánh văn phòng Hội Nông dân Tp. Hồ Chí Minh; đồng chí Hùynh Thị Kim Oanh, Phó Ban Dân vân quận uỷ, đại diện lãnh đạo các ban ngành và gần 100 đại biểu là những nông dân điển hình tiên tiến trên địa bàn Quận.
Báo cáo kết quả thực hiện phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2005 – 2010, đã nêu rõ những mặt làm được, chưa làm được và bài học kinh nghiệm trong công tác. Nhìn chung, phong trào thi đua yêu nước và phong trào của Hội Nông dân quận trong 5 năm qua đạt được những kết quả thiết thực, được các cấp uỷ Đảng quan tâm chỉ đạo sâu sát, được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền và đặc biệt là sự kịp thời chỉ đạo và hướng dẫn các phong trào của các tổ chức Hội cấp trên. Qua đó, nhận thức và hành động của hội viên được nâng lên rõ rệt, nhất là tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy với công việc được giao. Do đó, nhiều mô hình, gương điển hình nông dân tiêu biểu được tuyên dương, nhân rộng. Từng bước phát huy được tác dụng là tấm gương sáng cho mọi người học tập và noi theo.
Về phong trào “Nông dân sản xuất – Kinh giỏi, đoàn kết giúp nhau vượt nghèo và làm giàu chính đáng”. Trong 5 năm qua, Hội đã hỗ trợ cho 315 lượt nông dân với số tiền là 938,5 triệu đồng từ nguồn vốn quỹ HTND; 3,12 tỷ đồng cho 224 hộ nghèo phát triển sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn ủy thác; cho 22 hộ nghèo mượn vốn không lãi với số tiền 265 triệu đồng; 36,314 tỷ đồng cho 5.221 lượt hộ nghèo vay nguồn vốn Ngân hàng chính xã hội quận. Hội đã phối hợp các ban, ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT cho 711 hộ hội viên. Thành lập các tổ hợp tác sản xuất và tổ ngành nghề chuyên trồng mai, lan, câu cá giải trí, nuôi heo, tổ dịch vụ nông nghiệp... Kết quả hiện nay Quận có 474 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi đã nổi lên một số gương điển hình như hộ ông nguyễn Văn Tư (P.Phú Hữu) làm dịch vụ và chăm sóc mai kiểng kết hợp nuôi tôm càng xanh, thu nhập hàng năm trên 150 triệu đồng và giúp được 06 nông dân chuyển sang trồng mai đạt hiệu quả; hộ ông Bùi Văn Phép (P.Long Bình) nuôi các loại cá cảnh và kết hợp nuôi heo, thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng; hộ ông Nguyễn Văn Ký (P.Long Thạnh Mỹ) với mô hình vườn du lịch sinh thái và kinh doanh heo rừng lai, mức thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng; hộ ông Trần Công Danh (P. Trường Thạnh) đã chuyển từ đất trồng lúa sang đất trồng cây ăn trái với mức thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm. Hoặc giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng, như hộ Lê Thế Nghiệp (P.Tăng Nhơn Phú B) đã vượt qua khó khăn vươn lên thóat nghèo trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giúp kỹ thuật, cây giống, kinh nghiệm cho nhiều hộ khác cùng vượt nghèo.
Về phong trào “Nông dân tham gia xây dựng gia đình văn hóa, phường văn hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn”. Tích cực vận động hội viên thực hiện tốt cuộn vận động xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và nhiều công trình nông dân tự đóng góp, kết quả được 330 công trình xây mới, duy tu, bảo dưỡng được 20.728 mét đường nông thôn trị giá 11.910.180.000 đồng, ủng hộ 3.322 công lao động, đóng góp ủng hộ xây dựng nhà bia truyền thống nông dân và các hoạt động đột xuất do Thành Hội phát động.
Về phong trào “Nông dân tham gia bảo đảm Quốc phòng an ninh”. Hội đã tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật nhất là các luật liên quan đến nông dân để từng bước nâng cao ý thức cho hội viên nông dân thực hiện “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Vận động nông dân tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự, an tòan xã hội, phối hợp thực hiện chương trình mục tiêu 3 giảm, nhận cảm hóa 51 đối tượng hồi gia.
Về phong trào vận động hội viên nông dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có tác dụng thiết thực, tạo được sự chuyển biến về tư tưởng và hành động, sự đồng tình hưởng ứng tích cực trong cán bộ hội viên nông dân, thực hiện các công trình có ý nghĩa thiết thực như công trình “Dân vận khéo”.
Cũng tại hội nghị này Hội Nông dân quận đã trao tặng giấy khen cho 6 tập thể và và 16 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc.
Dịp này, Hội Nông dân quận 9 đã phát động phong trào thi đua giai đoạn 2010-2015 với nhiều nội dung “Hội nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, thi đua xây dựng nông thôn mới và tham gia đảm bảo quốc phòng-an ninh”. Mục tiêu của đợt thi đua là nhằm tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt của tổ chức Hội Nông dân trong sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, từng bước hình thành nền nông nghiệp sạch. Các chỉ tiêu đề ra như: hơn 60% cơ sở Hội đạt tiêu chuẩn Hội vững mạnh, 100% chi hội có quỹ Hội, 100% cơ sở Hội tổ chức cho hội viên đăng ký nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; và tập trung chú trọng phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; đoàn kết giúp nhau vượt nghèo và làm giàu”, hướng dẫn nông dân sản xuất giỏi giúp hộ hội viên thóat nghèo theo tiêu chí mới của thành phố. Phấn đấu 60% hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, giúp 150 hộ hội viên thoát nghèo.

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2010

NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ XU THẾ PHÁT TRIỂN TẤT YẾU THỜI KỲ ĐÔ THỊ HÓA


Do nhu cầu phát triển đô thị, quỹ đất nông nghiệp ở quận 9 ngày càng thu hẹp. Hiện nay, quận 9 là một trong những địa bàn trọng điểm được thành phố tập trung đầu tư nhiều dự ánlớn. Đây vừa là cơ hội, vừa là một thử thách rất lớn. Xuất phát từ việc đô thị hóa, cơ cấu kinh tế trên lĩnh vực nông nghiệp của quận những năm qua đã có nhiều thay đổi theo hướng chuyển từ nền nông nghiệp đô thị, trong đó khuyến khích việc đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn sao cho phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của quận.
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế của quận, những năm qua, các cấp hội Hội Nông dân quận 9 thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ định kỳ với nông dân nhằm giới thiệu những loại cây trồng, vật nuôi được quận khuyến khích phát triển ở từng khu vực và hỗ trợ tư vấn cho các hộ có nhu cầu mở rộng kinh doanh, sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, quận cũng đẩy mạnh công tác hỗ trợ vốn để nông dân đầu tư phát triển những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, khuyến khích, mời gọi các nhà khoa học, nghệ nhân, doanh nghiệp đến địa bàn quận đầu tư, hợp tác với nông dân thông qua các hợp đồng bao tiêu nông sản, chuyển giao kỹ thuật, làm vệ tinh sản xuất…
Là năm thứ ba quận thực hiện chương trình hành động 03-CTr/QU của Quận ủy về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn. kết quả bước đầu của việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp là các mô hình chuyển đổi sang sản xuất cây kiểng, cá cảnh không cần diện tích sản xuất lớn nhưng mang lại thu nhập khá cao. Điển hình hộ ông Trương Minh Mẫn (Tăng Nhơn Phú A) và hộ Nguyễn Văn Hùng (Phước Long A) nuôi cá kiểng thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Hộ Nguyễn Văn Tư (Phú Hữu) và Lê Hòang Minh Phụng (Phú Hữu) trồng mai ghép thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Hộ Đặng Minh Thuận (Long Trường) trồng lan thu nhập 100 triệu đồng/năm, Nguyễn Phước Lợi (Long Thạnh Mỹ) và Nguyễn Phúc Ánh (Tăng Nhơn Phú B) trồng lan thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm.
Thu nhập của nông dân tăng hơn so cùng kỳ các năm trước đó do việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi đạt hiệu quả; số hộ nông dân sản xuất giỏi đặc biệt là số hộ có thu nhập cao từ 40 triệu đồng/hộ/năm trở lên tiếp tục gia tăng. Công tác phục vụ chủ trương chuyển đổi như: khuyến nông, cho vay vốn có hỗ trợ lãi xuất theo Quyết định 105 đều tăng…cũng là những nhân tố quan trọng góp phần hỗ trợ chương trình chuyển đổi đạ hiệu quả.
Song song với công tác tuyên truyền, vận động, Ban Chấp hành Hội Nông dân quận còn định hướng cho nông dân thu hẹp dần diện tích đất trồng các loại nông sản có hiệu quả kinh tế thấp chuyển sang việc phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của quận và các vùng lận cận. Trong số các mô hình sản xuất nông nghiệp đang được quận phát triển hiện nay là mô hình sản xuất hoa lan - cây kiểng và một số mô hình sản xuất nông nghiệp khác phù hợp với điều kiện phát triển đô thị. Phát huy truyền thống cần cù, vượt khó của cha ông, người nông dân quận 9 hiện nay không chỉ cần cù lao động, mà còn là những người ham học hỏi, năng động, sáng tạo, chịu khó tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật, mạnh dạn áp dụng những thành tựu ấy vào quá trình chăn nuôi, trồng trọt. Đó chính là bí quyết dẫn đến sự thành công trong sản xuất kinh doanh theo hướng đô thị của nhiều hộ nông dân tại quận hiện nay.
Nông nghiệp đô thị ngày càng trở thành xu thế phát triển tất yếu khi đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Nông nghiệp đô thị vì thế cũng không còn họat động nghiệp dư với quy mô nhỏ mà phải trở thành một ngành kinh tế đóng góp đáng kể vào kinh tế đô thị. Có thể nói, cùng với xu hướng phát triển chung của thành phố Hồ Chí Minh, ngành nông nghiệp quận 9 đã và đang có bước chuyển mình nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập trong giai đoạn hiện nay. Cùng với chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đầu tư phát triển nông thôn theo hướng đô thị, đời sống người nông dân quận 9 đã ngày càng được cải thiện. Điều này cho thấy việc phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng đô thị là một lựa chọn hợp lý và xu thế tất yếu trong tiến trình đô thị hóa.