Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

NHÌN LẠI 5 NĂM CHUYỂN DỊCH KINH TẾ NÔNG NGHIỆP QUẬN 9

Qua 5 năm thực hiện Kế hoạch số 28 ngày 01/08/2006 về chương trình khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Hội Nông dân TP.HCM và chương trình hành động số 03 ngày 31/10/2006 của Quận ủy 9 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn quận từ nông nghiệp nông thôn sang nông nghiệp đô thị giai đoạn 2006 – 2010, kinh tế nông nghiệp Quận 9 đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, bước đầu giúp nông dân cải thiện môi trường sản xuất, nâng cao mức thu nhập so với 5 năm trước đây, tức thời điểm năm 2005.
Đồng lòng thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp
Thực hiện đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố và quận, 5 năm qua hàng ngàn hộ nông dân Quận 9 đã tiến hành việc cải tạo lập vườn, nuôi trồng thủy sản và phát triển nông nghiệp - nông thôn. Thực hiện chức năng nhiệm vụ của một đoàn thể chính trị xã hội có trách nhiệm đồng hành cùng nông dân, Hội Nông dân Quận 9 đã hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi, trồng trọt; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân; khuyến khích và hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thông qua việc phối hợp với phòng Kinh tế, phòng LĐTB-XH, Ngân hàng Nông nghiệp, Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông… tổ chức các điểm trình diễn, xây dựng những mô hình điểm, tạo điều kiện giúp những bà con nông dân thiếu vốn làm ăn có cơ hội vươn lên thoát nghèo; tổ chức cho các hộ nông dân tham quan những mô hình làm ăn có hiệu quả; hướng dẫn nông dân sử dụng hợp lý nguồn lao động; thành lập các CLB Khuyến nông giúp nông dân nâng cao kiến thức, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất… từ đó phát huy và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương trong tiến trình đô thị hóa.
…Và những kết quả bước đầu
Qua 5 năm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, với những gì đã đạt được cho thấy việc thực hiện đề án đã có những chuyển biến tích cực. Đa số nông dân đều tích cực hưởng ứng, tham gia chuyển đổi mô hình sản xuất. Những mô hình chuyển đổi có hiệu quả được Hội Nông dân tổ chức học tập và nhân ra. Đến nay, nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nông dân đầu tư phát triển như: hoa lan, mai vàng, bonsai, rau các loại, bò sữa, cá kiểng, cá sấu, dế, nhím… đều cho giá trị kinh tế cao, thu nhập tăng gấp 3 - 4 lần so với năng suất trồng lúa trước đó. Diện tích đất trồng lúa năng suất thấp đã giảm 118,64 ha; số lượng gia súc gây ô nhiễm môi trường cũng có xu hướng giảm dần, nhất là tại các phường đô thị. Hiện nay, trên địa bàn quận xuất hiện một số mô hình chăn nuôi mới, lạ, trước mắt đem lại hiệu quả kinh tế cao như: nuôi heo rừng lai, dế, kỳ nhông, Bò cạp, nhím…Tuy nhiều, đó là những mô hình mới, việc phát triển đòi hỏi người nuôi phải am hiểu về kỷ thuật nên những mô hình vẫn còn khá ít, chưa phổ biến. Hiện nay, tổng diện tích cây kiểng là 59,1 ha tăng chủ yếu là bonsai, kiểng lá, hoa lan và mai ghép. Riêng diện tích vườn cây ăn trái hiện cũng đã phát triển lên đến 1.356,8 ha. Trong đó, một số vườn cây đạt hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương như: mận An Phước, dừa giống mới… tại các phường Trường Thạnh, Long Phước và Long Thạnh Mỹ được trồng kết hợp mô hình VAC, góp phần tôn tạo cảnh quan môi trường, bước đầu hình thành các khu vườn sinh thái phục vụ khách tham quan du lịch theo định hướng phát triển chung của quận. Song song với nông nghiệp đô thị, tiểu thủ công nghiệp cũng đã từng bước phát triển, đặc biệt ở các phường thực hiện các dự án quy hoạch, cụ thể là thành lập các tổ hợp tác gia công may mặc, túi sách, đan móc giỏ, đóng ba-gết và dịch vụ thiết kế, chăm sóc cây cảnh tại các gia đình và quy mô trang trại cũng được phát triển mạnh trong nông dân.
Tính chung trong 5 năm qua, toàn quận đã có 457 hộ hội viên nông dân tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó có 291 hộ có thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng/năm, đạt 26,5% so tổng số hộ nông nghiệp; 149 hộ có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, đạt 13,57%; 34 hộ có thu nhập trên 100 đồng/năm, vượt chỉ tiêu chương trình Quận ủy đề ra. Một vài điển hình trong số những nông hộ chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt hiệu quả là mô hình nuôi tôm, cá và trồng cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái, kinh doanh dịch vụ và nuôi heo rừng lai của hộ ông Nguyễn Văn Ký (phường Long Thạnh Mỹ); mô hình VAC của hộ ông Trần Công Danh (phường Trường Thạnh); mô hình nuôi các loại cá cảnh, xây hồ ép cá đẻ, ươm cá bột để bán cá giống, kết hợp nuôi heo và nuôi cá thịt của hộ ông Bùi Văn Phép (phường Long Bình); mô hình trồng mai ghép, làm dịch vụ chăm sóc cây kiểng kết hợp nuôi tôm càng xanh của hộ ông Nguyễn Văn Tư (phường Phú Hữu); mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao nuôi cá rô đồng, trồng hoa lan của hộ ông Cao Văn Trọng; mô hình trồng rau mầm của tổ hợp tác ở phường Tăng Nhơn Phú B v.v… Đó chính là những cá nhân tiêu biểu trong số hành trăm hộ nông dân sản xuất giỏi tại quận 9 mà nỗ lực, vượt khó và không ngừng vươn lên của chính họ đã đóng góp một phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và sự phát triển chung của Quận 9.
Còn nhiều khó khăn
Có thể nói, cùng với xu hướng phát triển chung của thành phố Hồ Chí Minh, ngành nông nghiệp Quận 9 đã và đang có bước chuyển mình nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc chuyển dịch kinh tế nông nghiệp 5 năm qua của quận cũng còn nhiều vấn đề bất cập, cụ thể như: nhiều hộ nông dân muốn thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhưng còn lúng túng nhiều thủ tục, hướng dẫn của các cơ quan chức năng chưa cụ thể làm chậm trễ và ách tắc việc thục thực hiện chuyển dịch; môt số dự án xây dựng các công trình phục vụ sản xuất tuy được lãnh đạo quận quan tâm đầu tư nhưng khi thực hiện tiến độ còn quá chậm, thủ tục đầu tư còn nhiều khê, nhiều công trình kéo dài nhiều năm chậm phục vụ sản xuất; không ít hộ nông dân còn gặp khó khăn trong việc vay vốn gây ảnh hưởng đến tiến độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên diện rộng...
Mặc dù còn nhiều bất cập, khó khăn cần được tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ, nhưng có thể nói, cùng với chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đầu tư phát triển nông thôn theo hướng đô thị, 5 năm qua, đời sống người nông dân quận 9 đã ngày càng được cải thiện. Điều này cho thấy việc phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng đô thị là một lựa chọn hợp lý và xu thế tất yếu trong tiến trình đô thị hoá.