Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Hội Nông dân quận 9 trao tặng nhà tình thương cho hội viên nghèo



Thực hiện chương trình “Tết làm điều hay - Vì Nông dân nghèo Thành phố” do Hội Nông dân phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM tổ chức hàng năm, nhằm gây quỹ để chăm lo cho hội viên nông dân nghèo thành phố về Bảo hiểm y tế, phương tiện nghe nhìn, học bổng và xây nhà tình thương cho các hộ hội viên nông dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, sáng ngày 1/9, tại nhà ông Trần Văn Hải, sinh năm 1971, ngụ tại 487/18, khu phố Long Hòa, phường Long Thạnh Mỹ, Hội Nông Quận 9 đã tổ chức trao tặng 5 căn nhà tình thương cho hội viên nông dân của quận.
Đến dự có đồng chí Lê Thị Huệ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố; đại diện lãnh đạo các ban, văn phòng Thành Hội. Về phía địa phương có các đồng chí Đoàn Thị Kinh Oanh, Phó Trưởng Ban Dân vận quận ủy; Lê Văn Được, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương bình - Xã hôi quận; Đỗ Thị Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân Quận; đại diện lãnh đạo phòng, ban và cấp ủy địa phương.
Căn nhà thứ nhất được trao cho ông Trần Văn Hải, sinh năm 1971, ngụ tại 487/18, khu phố Long Hòa, phường Long Thạnh Mỹ; căn nhà thứ hai được trao cho ông Trần Văn Hoàng, sinh năm 1967, ngụ tại 12, khu phố 2, phường Phú Hữu; căn nhà thứ ba được trao cho ông Trần Văn Nhiều Anh, sinh năm 1963, ngụ tại 90/10, khu phố 2, phường Long Trường; căn nhà thứ tư được trao cho ông Nguyễn Thanh Minh, sinh năm 1966, ngụ tại 2/12, khu phố Phước Hậu, phường Long Trường; căn nhà thứ năm được trao cho bà Huỳnh Thị Thành, sinh năm 1961, ngụ tại 214/7, khu phố Phước Hiệp, phường Long Trường.
5 Căn nhà được xây dựng trên nền nhà lá cũ, tường xây, mái lợp tôn, nền gạch men trị giá mỗi căn nhà là 20 triệu đồng do ngân hàng Vietcombank hỗ trợ. Ngoài ra, thân nhân gia đình ông Trần Văn Hải đóng góp thêm 2 xe tải cát, 3000 viên gạch, 20 bao xi măng; gia đình ông Trần Văn Hoàng đóng góp thêm 17 triệu đồng; gia đình ông Trần Văn Nhiều Anh đóng góp thêm 25 triệu đồng và gia đình bà Huỳnh Thị Thành đóng góp thêm 8 triệu đồng. Cũng trong dịp này lãnh đạo Hội Nông dân Quận 9 và cấp ủy địa phương cũng đến chia vui và tặng những phần quà đầy ý nghĩa. Đặc biệt có 2 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cũng đến chia vui và tặng những phần quà thiết thực như: hộ ông Trần Công Danh tặng mỗi hộ trị giá 1,2 triệu đồng và 5 suất học bổng Lương Đình Của mỗi suất trị giá 1 triệu đồng; hộ ông Nguyễn Văn Ký tặng mỗi hộ trị giá là 200 ngàn đồng.
Phát biểu tại lễ bàn giao nhà tình thương, đồng chí Lê Thị Huệ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết: Việc giúp nông dân xây nhà chỉ là một trong các hoạt động “Tết làm điều hay vì nông dân nghèo” mà Hội Nông dân và Đài truyền hình thành phố đã phối hợp tổ chức trong 4 năm vừa qua. Trong chương này không chỉ có xây nhà tình thương mà còn giúp vốn, tạo việc làm cho bà con nông dân, hỗ trợ tivi, tặng thẻ bảo hiểm y tế, chăm lo tết cho người nghèo, trao tặng học bổng cho con em nông dân nghèo hiếu học… chương trình đã tạo được sự đồng cảm của toàn xã hội, được các ngành, các cấp, các nhà hảo tâm đồng lòng hưởng ứng. Chương trình ngày càng thiết thực và gần gũi hơn với người nông dân thành phố, đáp ứng được phần nào tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân nghèo, giúp họ vượt qua những khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.













Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

NHÌN LẠI 5 NĂM CHUYỂN DỊCH KINH TẾ NÔNG NGHIỆP QUẬN 9

Qua 5 năm thực hiện Kế hoạch số 28 ngày 01/08/2006 về chương trình khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Hội Nông dân TP.HCM và chương trình hành động số 03 ngày 31/10/2006 của Quận ủy 9 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn quận từ nông nghiệp nông thôn sang nông nghiệp đô thị giai đoạn 2006 – 2010, kinh tế nông nghiệp Quận 9 đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, bước đầu giúp nông dân cải thiện môi trường sản xuất, nâng cao mức thu nhập so với 5 năm trước đây, tức thời điểm năm 2005.
Đồng lòng thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp
Thực hiện đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố và quận, 5 năm qua hàng ngàn hộ nông dân Quận 9 đã tiến hành việc cải tạo lập vườn, nuôi trồng thủy sản và phát triển nông nghiệp - nông thôn. Thực hiện chức năng nhiệm vụ của một đoàn thể chính trị xã hội có trách nhiệm đồng hành cùng nông dân, Hội Nông dân Quận 9 đã hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi, trồng trọt; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân; khuyến khích và hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thông qua việc phối hợp với phòng Kinh tế, phòng LĐTB-XH, Ngân hàng Nông nghiệp, Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông… tổ chức các điểm trình diễn, xây dựng những mô hình điểm, tạo điều kiện giúp những bà con nông dân thiếu vốn làm ăn có cơ hội vươn lên thoát nghèo; tổ chức cho các hộ nông dân tham quan những mô hình làm ăn có hiệu quả; hướng dẫn nông dân sử dụng hợp lý nguồn lao động; thành lập các CLB Khuyến nông giúp nông dân nâng cao kiến thức, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất… từ đó phát huy và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương trong tiến trình đô thị hóa.
…Và những kết quả bước đầu
Qua 5 năm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, với những gì đã đạt được cho thấy việc thực hiện đề án đã có những chuyển biến tích cực. Đa số nông dân đều tích cực hưởng ứng, tham gia chuyển đổi mô hình sản xuất. Những mô hình chuyển đổi có hiệu quả được Hội Nông dân tổ chức học tập và nhân ra. Đến nay, nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nông dân đầu tư phát triển như: hoa lan, mai vàng, bonsai, rau các loại, bò sữa, cá kiểng, cá sấu, dế, nhím… đều cho giá trị kinh tế cao, thu nhập tăng gấp 3 - 4 lần so với năng suất trồng lúa trước đó. Diện tích đất trồng lúa năng suất thấp đã giảm 118,64 ha; số lượng gia súc gây ô nhiễm môi trường cũng có xu hướng giảm dần, nhất là tại các phường đô thị. Hiện nay, trên địa bàn quận xuất hiện một số mô hình chăn nuôi mới, lạ, trước mắt đem lại hiệu quả kinh tế cao như: nuôi heo rừng lai, dế, kỳ nhông, Bò cạp, nhím…Tuy nhiều, đó là những mô hình mới, việc phát triển đòi hỏi người nuôi phải am hiểu về kỷ thuật nên những mô hình vẫn còn khá ít, chưa phổ biến. Hiện nay, tổng diện tích cây kiểng là 59,1 ha tăng chủ yếu là bonsai, kiểng lá, hoa lan và mai ghép. Riêng diện tích vườn cây ăn trái hiện cũng đã phát triển lên đến 1.356,8 ha. Trong đó, một số vườn cây đạt hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương như: mận An Phước, dừa giống mới… tại các phường Trường Thạnh, Long Phước và Long Thạnh Mỹ được trồng kết hợp mô hình VAC, góp phần tôn tạo cảnh quan môi trường, bước đầu hình thành các khu vườn sinh thái phục vụ khách tham quan du lịch theo định hướng phát triển chung của quận. Song song với nông nghiệp đô thị, tiểu thủ công nghiệp cũng đã từng bước phát triển, đặc biệt ở các phường thực hiện các dự án quy hoạch, cụ thể là thành lập các tổ hợp tác gia công may mặc, túi sách, đan móc giỏ, đóng ba-gết và dịch vụ thiết kế, chăm sóc cây cảnh tại các gia đình và quy mô trang trại cũng được phát triển mạnh trong nông dân.
Tính chung trong 5 năm qua, toàn quận đã có 457 hộ hội viên nông dân tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó có 291 hộ có thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng/năm, đạt 26,5% so tổng số hộ nông nghiệp; 149 hộ có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, đạt 13,57%; 34 hộ có thu nhập trên 100 đồng/năm, vượt chỉ tiêu chương trình Quận ủy đề ra. Một vài điển hình trong số những nông hộ chuyển đổi cơ cấu kinh tế đạt hiệu quả là mô hình nuôi tôm, cá và trồng cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái, kinh doanh dịch vụ và nuôi heo rừng lai của hộ ông Nguyễn Văn Ký (phường Long Thạnh Mỹ); mô hình VAC của hộ ông Trần Công Danh (phường Trường Thạnh); mô hình nuôi các loại cá cảnh, xây hồ ép cá đẻ, ươm cá bột để bán cá giống, kết hợp nuôi heo và nuôi cá thịt của hộ ông Bùi Văn Phép (phường Long Bình); mô hình trồng mai ghép, làm dịch vụ chăm sóc cây kiểng kết hợp nuôi tôm càng xanh của hộ ông Nguyễn Văn Tư (phường Phú Hữu); mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao nuôi cá rô đồng, trồng hoa lan của hộ ông Cao Văn Trọng; mô hình trồng rau mầm của tổ hợp tác ở phường Tăng Nhơn Phú B v.v… Đó chính là những cá nhân tiêu biểu trong số hành trăm hộ nông dân sản xuất giỏi tại quận 9 mà nỗ lực, vượt khó và không ngừng vươn lên của chính họ đã đóng góp một phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và sự phát triển chung của Quận 9.
Còn nhiều khó khăn
Có thể nói, cùng với xu hướng phát triển chung của thành phố Hồ Chí Minh, ngành nông nghiệp Quận 9 đã và đang có bước chuyển mình nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc chuyển dịch kinh tế nông nghiệp 5 năm qua của quận cũng còn nhiều vấn đề bất cập, cụ thể như: nhiều hộ nông dân muốn thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhưng còn lúng túng nhiều thủ tục, hướng dẫn của các cơ quan chức năng chưa cụ thể làm chậm trễ và ách tắc việc thục thực hiện chuyển dịch; môt số dự án xây dựng các công trình phục vụ sản xuất tuy được lãnh đạo quận quan tâm đầu tư nhưng khi thực hiện tiến độ còn quá chậm, thủ tục đầu tư còn nhiều khê, nhiều công trình kéo dài nhiều năm chậm phục vụ sản xuất; không ít hộ nông dân còn gặp khó khăn trong việc vay vốn gây ảnh hưởng đến tiến độ chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên diện rộng...
Mặc dù còn nhiều bất cập, khó khăn cần được tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ, nhưng có thể nói, cùng với chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đầu tư phát triển nông thôn theo hướng đô thị, 5 năm qua, đời sống người nông dân quận 9 đã ngày càng được cải thiện. Điều này cho thấy việc phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng đô thị là một lựa chọn hợp lý và xu thế tất yếu trong tiến trình đô thị hoá.

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

KHAI GIẢNG LỚP KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC MAI

Nhằm thực hiện công tác đào tạo nghề giúp cho nông dân Quận 9 thuận lợi trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp điều kiện tự nhiên kinh tế của từng hộ gia đình và chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của Quận, Ban Thường vụ Hội Nông dân Quận xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho bà con nông dân Quận như các lớp lớp Kỹ thuật trồng rau mầm và đóng gói bảo quản sau thu hoạch, kỹ thuật trồng và chăm sóc phong lan, kỹ thuật thiết kế sân vườn, kỹ thuật cắt tỉa và tạo dáng bon sai và lớp kỹ thuật trồng mai…
Sáng ngày 10 tháng 6 năm 2011, tại hội trường Ủy ban Nhân dân phường Long Trường, Hội Nông dân Quận 9 phối hợp với trung tâm dạy nghề Hỗ trợ Nông dân Thành phố tổ chức khai giải lớp Kỹ thuật trồng và chăm sóc mai đã thu hút gần 50 hội viên nông dân tham gia lớp học.
Đến dự lễ khai giảng có đồng chí Trần Văn Mau - Phó chủ tịch Hội Nông dân quận 9; đồng chí Nguyễn Văn Minh - Phó chủ tịch Ủy ban Nhân phường Long Trường; đồng chí Nguyễn Văn Xê - Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Trường; đồng chí Lê Thị Kim Hồng - đại diện Trung tâm Hỗ trợ Nông dân thành phố, nghệ nhân Nguyễn Văn Hai.
Mục đích là nhằm cung tấp thông tin, nâng cao kỹ thuật trồng Mai cho các hộ nông dân để mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề từ sản xuất thuần nông sang trồng những loại cây kiểng, bonsai có giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện cuộc sống cho nông dân và hướng dẫn cho bà con nông dân cách trồng và chăm sóc Mai, nhất là Mai ghép. Những kỹ thuật được chuyển tải như phân bố vùng với loại đất phù hợp; ảnh hưởng của khí hậu và thời tiết; nguồn nước cung cấp mặc dù Mai thích nghi với loại đất có độ ẩm hay khô cằn nhưng chúng không thích nghi với nơi ngập úng kéo dài; điều kiện ánh sáng; chế độ phân bón dinh dưỡng; chú ý cách phòng trừ sâu bệnh để Mai sinh trưởng ổn định.
Buổi tập huấn còn nghe ý kiến của bà con nông dân, rút kinh nghiệm từ thực tế, trao đổi về những yếu tố quan trọng để điều khiển Mai trổ hoa đến kỹ thuật bứng góc vô chậu, ghép mai, tạo dáng. Cán bộ, hội viên nông dân đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến kỹ thuật trồng và chăm sóc để cây mai có giá trị kinh tế cao.

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

KHAI GIẢNG LỚP KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC HOA LAN

Sáng ngày 13 tháng 5 năm 2011, tại hội trường Ủy ban Nhân dân phường Tân Phú (quận 9), đã diễn ra buổi lễ khai giảng khóa học kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan do Trung tâm Hỗ trợ Nông dân thành phố trực thuộc Hội Nông dân thành phố tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân.
Đến dự lễ khai giảng có đồng chí Trần Văn Mau - Phó chủ tịch Hội Nông dân quận 9; đồng chí Vũ Thị Thu Hà - Phó Bí thư Đảng uỷ phường Tân Phú; đồng chí Trương Văn Hiếu - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Tân Phú, đồng chí Trần Vương Vũ - Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Phú; đồng chí Lê Thị Kim Hồng - đại diện Trung tâm Hỗ trợ Nông dân thành phố, đồng chí Nguyễn Công Bình - Giảng viên trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh và 40 học viên của lớp học.
Nhằm tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi ngành nghề, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với quá trình đô thị hóa theo Nghị quyết 03 của Quận ủy, ngoài công tác hỗ trợ, giúp đỡ hộ nông dân lập dự án vay vốn nguồn ủy thác Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố và quận, hội Nông dân đã tích cực phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Nông dân Thành phố tổ chức lớp khuyến nông với kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa phong lan. Khóa học bồi dưỡng kiến thức nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan được tổ chức tại phường Tân Phú từ ngày 13/5/2011 đến ngày 01/07/2011 nhằm giúp hội viên nông dân có điều kiện tiếp cận các lĩnh vực khoa học kỹ thuật mới, nâng cao kiến thức trong lĩnh vực trồng hoa lan (chọn cây, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật cắt tỉa…) để áp dụng được vào sản xuất đạt hiệu quả, cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo và làm giàu tại địa phương. Kết thúc khóa học các học viên được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học do Trung tâm hỗ trợ Nông dân Thành phố cấp.

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

LỄ GIAO VỐN CHO NÔNG DÂN NGHÈO QUẬN 9

Nhằm giúp hội viên, nông dân nghèo quận 9 có thêm vốn để đầu tư sản xuất, cải thiện cuộc sống, sáng ngày 08/04/2011, tại Hội trường Khối vận, Hội Nông dân Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nông dân quận 9 tổ chức lễ giao vốn cho hội viên nông dân nghèo. Về dự lễ giao vốn cho nông dân quận 9 có đồng chí Dương Văn Nhân - Uỷ viên thường vụ, Phó chủ tịch Hội Nông dân thành phố - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nông dân thành phố; đại diện các ban chuyên môn Thành Hội; đại diện lãnh đạo địa phương và 16 hộ được hỗ trợ vốn. Được biết trong đợt giao vốn lần này, quận 9 có 16 hội viên nông dân nghèo được nhận vốn không lãi suất của thành phố trong thời hạn 24 tháng, với tổng số vốn được giao là 240 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ cho hội viên nông dân được chuyển qua từ Quỹ vì người nghèo của Mặt trận Tổ quốc Tp. Hồ Chí Minh. Hoạt động hỗ trợ vốn vay không lãi cho nông dân được thực hiện từ năm 2008, đến nay đã hỗ trợ cho nông dân nghèo ở quận 9 bốn đợt với số tiền 620 triệu đồng cho 47 hộ; Đại điện lãnh đạo Hội Nông dân quận 9 đã thay mặt bà con được nhận vốn cam kết sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo cho hội viên nông dân Quận 9 nói riêng và thành phố nói chung. Phát biểu tại buổi lễ giao vốn cho nông dân, đồng chí Dương Văn Nhân - Uỷ viên thường vụ, Phó chủ tịch Hội Nông dân thành phố - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nông dân thành phố đã đề nghị các hộ dân được tổ chức Hội quan tâm, hỗ trợ vốn cần thấy được nghĩa vụ của bản thân đối với cộng đồng, phấn đấu vươn lên trong lao động, sản xuất để trở thành những người nông dân sản xuất giỏi, tự tạo lập cuộc sống tốt hơn cho bản thân và gia đình, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của địa phương trong thời gian tới.

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

TUYÊN TRUỀN LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI VỀ PHONG CHỐNG BẠO HÀNH TRONG GIA ĐÌNH



Thực hiện chương trình công tác của Hội Nông dân Quận 9 về “công tác tuyên truyền các luật”.
Sáng ngày 09 tháng 03 năm 2011, tại hội trường Ban Dân Vận Quận 9. Ban thường vụ Hội Nông dân Quận 9 tổ chức buổi tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên nông dân nói riêng và nhân dân nói chung về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trên lĩnh vực Phòng chống bạo hành gia đình, bình đẳng giới, đặc biệt các cặp vợ chồng nông dân, nam nông dân nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự hiểu biết tạo được chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành luật pháp và chính sách về phòng chống bạo hành gia đình; tích cực tham gia phòng chống bạo hành trong gia đình, chăm sóc, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bạo hành gia đình; tham gia giám sát thực hiện pháp luật về phòng chống bạo hành gia đình, góp phần thực hiện tốt Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Hướng dẫn cho cán bộ, hội viên nông dân nòng cốt nâng cao năng lực tham gia các hoạt động Phòng chống bạo hành gia đình; Xây dựng được lực lượng tuyên truyền viên, cộng tác viên tham gia tuyên truyền, vận động trên lĩnh vực Phòng chống bạo hành gia đình. Xây dựng và phát triển các mô hình phòng chống bạo hành gia đình của Hội Nông dân trong cộng đồng nông dân, nông thôn.
Đồng thời đây cũng là dịp giúp hội viên nông dân bổ sung thêm kiến thức để tham gia tốt Hội thi Luật Bình đẳng giới năm 2011 ( 2 cấp Quận và Thành phố) sắp đến.

Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011

TỔNG KẾT CÔNG TÁC HỘI VÀ PHONG TRÀO NÔNG DÂN NĂM 2010



Chiều ngày 06/01/2011, tại hội trường Ban Dân Vận quận, Hội Nông dân quận 9 tổ chức tổng kết công tác Hội và phòng trào Nông dân năm 2010 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2011. Đến dự lễ có đồng chí Trần Văn Hưng, Ủy viên thường vụ - Trưởng ban kinh tế xã hội Hội Nông dân Tp. Hồ Chí Minh; đồng chí Huỳnh Công Năm, Ủy viên thường vụ - Trưởng Ban dân vận Quận ủy, Đặng Thị Hồng Liên, Ủy viên thường vụ - Phó Chủ tịch UBND Quận, đại diện các ban ngành, tổ chức đoàn thể quận và Hội viên nông dân tiêu biểu có thành tích sản xuất kinh doanh giỏi.
Năm 2010, tiếp tục thực hiện chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Thành phố và chương trình hành động của Quận ủy thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn đã từng bước làm chuyển biến rõ nét vai trò của Hội Nông dân trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn. Các cấp Hội Nông dân quận đã chủ động lập kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình công tác, các chỉ tiêu thi đua trong năm; tích cực trong công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được triển khai bằng nhiều biện pháp tuyên truyền sâu, rộng; tuyên truyền các hoạt động Hội và phong trào nông dân, phát động hội viên nông dân thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong năm, chào mừng thành công Đại hội Đảng các cấp. Hội đã không ngừng nâng cao hiệu quả và đổi mới về phương thức hoạt động; xây dựng Hội trong sạch - vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của quận; luôn phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt tập hợp giai cấp nông dân, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới.
Trong năm, Hội nông dân quận đã phát triển được 501 hội viên mới, đạt 125,25% so với chỉ tiêu đề ra, nâng tổng số hội viên toàn quận hiện nay lên 4.939 với 11 Cơ sở hội, 73 Chi hội và 237 Tổ hội; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, phối hợp với Trung tâm hỗ trợ nông dân Thành phố và Trung tâm dạy nghề quận tổ chức đào tạo nghề cho 225 hội viên nông dân, vượt chỉ tiêu thành phố giao là 50% và tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng đầu tư cở sở hạ tầng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đạt hiệu quả tích cực như: 59 công trình giao thông nông thôn trị giá thành tiền 14,574 tỷ đồng với 7.046,9 mét đường nội bộ có chiều rộng từ 3,5 mét đến 5 mét; tổ chức tham quan, hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 6.027 lượt hội viên nông dân đạt tỷ lệ 100,4%, đặc biệt là phong trào nông dân sản xuất giỏi được phát động theo tiêu chí mới được nông dân thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao với quy mô lớn như mô hình nuôi heo theo kỹ thuật công nghiêp, nuôi heo rừng lai, cá rô đồng, kỳ nhông, kỳ tôm, dịch vụ câu cá giải trí, mô hình vườn kết hợp du lịch sinh thái, mô hình trồng hoa lan, rau mầm, sản xuất kinh doanh cây kiểng… đã góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn quận. Kết quả có 497 hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” các cấp có mức thu nhập từ 20 triệu đồng đến trên 50 triệu đồng/lao động nông nghiệp/năm. Ngoài ra trong năm, Hội Nông dân quận đã phát động 100% hộ hội viên nông dân đăng ký thực hiện “Gia đình nông dân văn hóa”, qua bình xét cuối năm có 735 đạt gia đình văn hóa tỷ lệ đạt 79,89%.
Cùng với phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Hội còn đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đẩy mạnh cuộn vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong lực lượng cán bộ và hội viên; phát động hội viên tích cực hưởng ứng các hoạt động hội thao, hội thi cấp quận và thành phố tổ chức, qua đó đã đạt nhiều thành tích cao. Các hoạt động tương thân tương ái ngày càng được phát triển. Kết quả Hội đã giúp 199 hội viên nông dân vượt chuẩn nghèo theo tiêu chí quy định của Thành phố đạt 199% so với chỉ tiêu kế hoạch; phối hợp với các ngành tạo nguồn vốn giúp nông dân vay đầu tư cho sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, Hội vận động ủng hộ được 82,200 triệu đồng nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân phường và quận đến này là 473,824 triệu đồng, đã giải quyết hỗ trợ cho 64 hộ hội viên với số vốn là 318 triệu đồng, vốn uỷ thác của Thành hội là 5,170 tỷ đồng cho 397 hộ vay, hỗ trợ lãi suất của Thành hội cho 22 hội viên với số tiền 265 triệu đồng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Hương, Trưởng ban kinh tế xã hội Hội Nông dân Thành phố ghi nhận các kết quả đạt được của Hội Nông dân quận 9; đồng chí mong rằng Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận có quan tâm hơn nữa đến công tác của Hội, cũng như có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ, giúp đỡ Hội. Hội cần quan tâm hơn nữa đến các phong trào, nhân rộng các mô hình sản xuất hay, gương hội viên sản xuất giỏi; cùng với các cấp hội thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại đơn vị, đảm bảo và hướng dẫn người nông dân trên địa bàn thực hiện tốt quyền và lợi ích chính đáng của hội viên; tiếp tục xây dựng Hội Nông dân quận ngày càng vững mạnh, góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đã đề ra.
Nhân dịp này, Hội Nông dân quận trao quyết định và khen thưởng cho 11 tập thể, 11 chi hội, 11 tổ hội nông dân và 37 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào thi đua của Hội năm 2010.

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

TRAO NHÀ TÌNH NGHÌA



Sáng ngày 31/12/2010 tại phường Long Phước, Hội Nông dân quận 9 đã phối hợi với Phòng lao động Thương bình xã hội quận tổ chức lễ bàn giao căn nhà tình nghĩa cho Bà Nguyễn Thị Hường (72 tuổi), hiện cư ngụ tại 45/115/16, Khu phố Trường Khánh, phường Long Phước, Quận 9 là hộ hội viên nông dân nghèo.
Căn nhà được xây dựng trên nền nhà lá cũ, có diện tích 44 m2 mái lợp tôn, tường gạch, nền gạch men trị giá 45 triệu đồng kinh phí do Công ty TNHH một thành viên Lương thực Tp. Hồ Chí Minh tài trợ 40.000.00 đồng, phần còn lại do bà con hội viên nông dân phường Long Phước ủng hộ. Ngoài kinh phí hỗ trợ xây dựng, cũng tại buổi lễ bàn giao nhà Công ty TNHH một thành viên Lương thực Tp. Hồ Chí Minh đã tặng gia đình một sổ tiết kiệm một triệu đồng và một số hàng tiêu dùng cho gia đình. Cũng trong dịp này lãnh đạo Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo quận ủy, Hội Nông dân quận, Ủy ban MTTQ, đoàn thể và cấp ủy địa phương cũng đến chia vui và tặng những phần quà đầy ý nghĩa. Đặc biệt có hộ ông Trần Công Danh là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cũng đến chia vui và tặng cho bà Nguyễn Thị Hường số tiền trị giá 2.000.000 đồng để đón tết Tân Mão 2011.
Đón nhận căn nhà tình nghĩa, bà Hường mừng lắm. Sau nhiều năm phải sống trong căn nhà tạm, bà xúc động đến trào nước mắt mà không nói thành lời vì cả đời bà chưa bao giờ dám mơ ước đến căn nhà thế này
Căn nhà tuy không lớn, nhưng nó thực sự là món quà đầu xuân đầy nghĩa tình của Hội Nông dân quận 9 và cùng các nhà tài trợ góp phần chia sẻ với những hy sinh mất mát của gia đình bà Nguyễn Thị Hường. Tại buổi lễ, ông Phan Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy đã thay mặt gia đình cảm ơn Công ty TNHH một thành viên Lương thực Tp. Hồ Chí Minh đã giúp đỡ gia đình chính sách đang gặp khó khăn về nhà ở.