Thứ Ba, 10 tháng 11, 2009

“VŨ CÁ BÈ” LÀM GIÀU TỪ DÒNG SÔNG

Từ một nông dân nghèo, phụ việc cho cơ sở ấp trứng vịt, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, với sự “đột phá” của mình anh đã khiến bà con nông dân và bạn bè nể phục. Trở thành ông chủ của Hợp tác xã (HTX) cá bè Sông Tắc phường Long Phước - Q.9, hàng năm anh thu lãi từ 80-100 triệu đồng. Anh còn được người dân goi với cái tên thân thương “Vũ cá bè”.
Gia đình Vũ thuộc diện xóa đói giảm nghèo, nên anh phải chạy vạy khắp nơi mượn tiền để khởi nghiệp. May thay, Bí thư chi bộ phường biết hoàn cảnh của Vũ nên đã... đi vay tiền giúp Vũ 10 triệu đồng. "Cầm 10 triệu đó, tui toát mồ hôi hột với những phương án làm ăn" - anh Vũ nhớ lại. Đầu tiên, anh mua một cây bơm xăng nhỏ phục vụ ghe xuồng qua lại sông Tắc. Bán xăng có lời đồng nào, anh dồn nuôi heo. Tiếp đó là một chu trình VAC khép kín với một lứa heo, hai lứa cá...
Một năm sau, Vũ chính thức khởi nghiệp từ những bao cám, từng ký cá giống cung cấp cho người nuôi cá, thu lời chẳng bao nhiêu. Trong những lần đi giao cá giống và thức ăn cho các hộ dân nuôi cá, anh đã học lỏm được một ít kiến thức nuôi cá điêu hồng. “Người ta làm được thì mình cũng làm được” - Vũ nghĩ thầm. Nghĩ là làm, Vũ gom tiền sắm cho riêng mình một bè cá có diện tích nuôi khoảng 12.000 con. Lứa nuôi đầu tiên, bè cá của anh thu được gần 6 tấn, sản phẩm đầu ra tiêu thụ suôn sẻ nên lợi nhuận thu được từ bè cá rất lớn. Thừa thắng xông lên, Vũ tiếp tục đầu tư. Đến nay, anh đã sở hữu ba bè cá với 10 vèo, mỗi bè anh thu từ 4,5-6 tấn cá, giúp anh có tiền trang trải nợ nần, xây nhà, mua xe.
Giai đoạn đầu 2006, phong trào nuôi cá điêu hồng rộ lên với nhiều người nuôi, khiến cá bị rớt giá, bản thân người nuôi cũng lao đao. Sản phẩm tiêu thụ với giá thấp, lại bị những hộ dân “xù” tiền cám và tiền cá giống, Vũ gần như bị phá sản. Tiếc với những thành quả có được trong mấy năm qua, Vũ quyết không để những bè cá đi vào ngõ cụt. Từng bước gầy dựng lại từ đầu, anh liên kết với các bè cá rải rác trên sông hầu quy về một mối và tìm đầu ra cho sản phẩm. Và HTX cá bè Sông Tắc do anh làm chủ ra đời.

Năm 2006, Phạm Hoàng Vũ là một trong số 75 thanh niên trên toàn quốc được nhận giải thưởng Lương Định Của và là một trong 20 gương mặt tiêu biểu được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng bằng khen vì đã tham gia chuyển đổi cơ cấu vật nuôi hiệu quả. Bên cạnh đó, Vũ còn là đại biểu tại Liên hoan cụm miền Đông Nam Bộ "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác".
Hiện nay, HTX cá bè Sông Tắc có 9 bè, 40 vèo với diện tích nuôi 5.000 m2. Hiện có 9 thành viên nòng cốt, hầu hết đang ở độ tuổi thanh niên. Mặc dù chủ nhiệm HTX có trình độ văn hóa 11/12 nhưng đội ngũ trợ lực cho anh khá "oách": 2 kỹ sư, 1 thạc sĩ kinh tế... Tất cả thành viên đều hào hứng với dự án làm du lịch sinh thái. Tuy nhiên, "Vũ cá bè" bộc bạch: "Để có thể biến ước mơ đó thành hiện thực, phải huy động rất nhiều tiền. Rồi phải mở rộng thêm diện tích bè nuôi cá, kết nối những điểm tham quan riêng rẽ thành hệ thống, chăm chút vườn cây trái Tam An, đa dạng hóa các điểm du lịch... Đặc biệt là cần có sự chấp thuận, ủng hộ của chính quyền và các ban ngành".

Dù đầu ra của sản phẩm cá điêu hồng rất ổn định, nhưng để mở rộng thị trường đồng thời tạo việc làm cho thanh niên trong phường, “Vũ cá bè” đã triển khai nuôi thử loài cá lăn được bốn tháng với hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân trong vùng. Anh cũng bật mí thêm: “Mô hình du lịch xanh trên dòng sông Tắc do HTX Sông Tắc đầu tư cũng đang được triển khai. Hiện đề án của HTX đã được hình thành, du khách có thể chèo thuyền lãng đãng trên sông ngắm vườn cây ăn trái, thưởng thức các món ăn đồng quê, dân dã”. Nếu mô hình du lịch xanh của anh hoàn thiện, không chỉ thu hút khách du lịch đến với phường, tăng hiệu quả kinh tế mà còn tạo ra nhiều việc làm cho thanh niên ở vùng đất còn nghèo
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét